Tài khoản

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P1): Ăn dặm truyền thống

Chọn phương pháp ăn dặm luôn là một vấn đề đau đầu với các bậc cha mẹ. Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Bibabo sẽ giới thiệu với bố mẹ 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay là: Ăn dặm truyền thống (ADTT), Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và Ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) để giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan và cơ bản nhất về các phương pháp này. 

 Ăn dặm truyền thống

1. Ăn dặm truyền thống là gì?

Ăn dặm truyền thống là phương pháp cho bé ăn dặm bằng:

  • Bột khi bé được khoảng từ 6-10 tháng.
  • Cháo xay khi bé được khoảng từ 10-14 tháng.
  • Cháo đặc hoặc cơm nát khi bé được khoảng từ 14-18 tháng.
  • Cơm nát hoặc cơm mềm khi bé được khoảng từ 18 tháng tuổi trở lên.

Trong ăn dặm truyền thống, bé sẽ được ăn chung một bát bột/cháo kèm rau, củ, đạm ngay từ khi mới bắt đầu ăn dặm. Các món ăn dặm truyền thống thường được chế biến theo hai kiểu: 

(1) Cháo/bột nấu với rau, củ, đạm xay nhuyễn hoặc 

(2) Cháo/bột nấu với rau, củ, đạm, rồi cho vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn

Bé càng lớn thì lượng ăn càng tăng dần.

2. Ưu - Nhược điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống

- Ưu điểm

  • Quen thuộc.
  • Dễ áp dụng.
  • Tiết kiệm thời gian, không cần chế biến cầu kì.
  • Nhận được nhiều sự ủng hộ từ gia đình.
  • Bố mẹ cảm thấy kiểm soát được lượng thức ăn mà bé nạp vào cơ thể.
  • Sạch sẽ, dễ dọn dẹp.

- Nhược điểm:

  • Việc các nguyên liệu được nấu chung với nhau sẽ khiến bé khó cảm nhận từng mùi vị riêng biệt nên trẻ sẽ có khả năng phân biệt thức ăn kém hơn.
  • Bé nhanh chán ăn vì các bữa ăn có hương vị na ná giống nhau.
  • Gia đình dễ mắc phải các lỗi tư tưởng ăn dặm tiêu cực như cho bé ăn quá nhiều so với nhu cầu của bé, không ngồi một chỗ khi cho bé ăn, ép bé ăn đặc biệt nếu bố mẹ không phải là người cho ăn chính (xem thêm: Cho con ăn dặm - Mẹ chọn tích cực hay tiêu cực?).
  • Bé học các kỹ năng xử lý thức ăn chậm hơn vì mẹ thường bỏ qua mất các giai đoạn cần tập và nâng cao kỹ năng mới cho bé.
  • Nếu bé bị dị ứng thì sẽ khó phát hiện hơn, vì các thức ăn đã bị trộn chung với nhau. 

3. Bạn nên chọn lựa phương pháp này để cho bé ăn dặm nếu

  • Bạn không được quyền quyết định vấn đề ăn dặm của con hoặc chịu áp lực lớn từ gia đình và người xung quanh.
  • Bạn bận rộn và phải phụ thuộc vào người khác để cho con ăn dặm.
  • Bạn muốn đảm bảo con ăn đủ lượng mà bạn muốn.

Dù bạn quyết định cho bé ăn dặm theo phương pháp nào, thì bạn cũng cần phải ghi nhớ rằng mục đích của ăn dặm không phải là để tăng cân mà để bé làm quen với thức ăn, chuẩn bị cho giai đoạn mà sữa không còn cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của bé nữa, đồng thời ăn dặm cũng là giai đoạn luyện tập các kỹ năng và thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, hợp lý.

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm về hai phương pháp còn lại tại bài viết của Bibabo nhé!

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P2): Ăn dặm kiểu Nhật

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P3): Ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning - BLW)

06/2017.  Có 7 thích.  
  Thích
  Facebook